Theo nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, con người đang dễ căng thẳng hơn. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của họ.
Trong cuộc sống, ai cũng gặp phải những vấn đề khiến bản thân phải căng thẳng, mệt mỏi. Nếu không kiểm soát được mức độ căng thẳng này, mọi chuyện sẽ càng tồi tệ hơn và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bạn.
Những dấu hiệu bị stress nặng
Nếu bạn có bất kì triệu chứng nào trong số những triệu chứng dưới đây thì rất có thể, bạn rơi vào tình trạng căng thẳng dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm khác, ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc thường ngày:
1. Các bệnh về da
Bệnh vẩy nến, mụn trứng cá và các bệnh ngoài da khác có thể do căng thẳng mà ra. Các nhà nghiên cứu tại Trường Y Lewis Katz thuộc Đại học Temple (LKSOM) đã tiến hành nghiên cứu giữa các sinh viên và kết quả cho thấy một sự kết nối trực tiếp giữa tình trạng căng thẳng tâm lý cao và các vấn đề về da. Một thí nghiệm với chuột đã cho kết quả tương tự. Những con chuột thường xuyên căng thẳng dễ bị nhiễm trùng da hơn.
2. Trọng lượng thay đổi
Bác sĩ Shanna Levine – chuyên khoa lâm sàng của trường Y học Icahn, New York – cho biết: “Sự căng thẳng kích thích giải phóng hormone cortisol, làm giảm khả năng chuyển hóa lượng đường trong máu và thay đổi cách thức chuyển hóa chất béo, đạm, carbs. Do đó, căng thẳng có thể dẫn đến các hành vi không lành mạnh như ăn uống quá độ hoặc bỏ ăn khiến trọng lượng thay đổi liên tục.
Cải thiện tâm trạng bằng những bữa ăn vặt khoa học, hợp lý với chế độ dinh dưỡng giàu chất xơ với nhóm người thừa cân và thực phẩm protein với nhóm người thiếu cân, chán ăn.
3. Mất ngủ
Mất ngủ liên quan đến sự căng thẳng bắt nguồn từ việc không thể ngừng suy nghĩ về tất cả các nghĩa vụ bạn phải làm trong cuộc sống cộng với việc cơ thể bạn đang bị quá tải sẽ khiến cơ thể càng trở nên căng thẳng. Và tất nhiên, khi bạn không thể ngủ, bạn sẽ kiệt sức hơn vào ngày hôm sau.
4. Rối loạn tiêu hóa
Serotonin là một hormone rất quan trọng kiểm soát tâm trạng con người. Điều đáng chú ý là 95% hormone serotonin này nằm trong hệ tiêu hóa chứ không phải não. Chính vì vậy, căng thẳng có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến đường tiêu hóa và thuốc chống đầy bụng hay đau dạ dày không giúp ích gì. Stress có thể khiến bạn bị viêm loét dạ dày tá tràng, chảy máu tiêu hóa, thủng dạ dày, tiêu chảy, khô miệng, chán ăn, ăn không tiêu, hội chứng ruột kích thích (IBS), trào ngược dạ dày thực quản (GERD)…
Trong trường hợp này, bạn nên có một chuyến đến gặp chuyên gia tâm lý học sẽ hữu ích hơn. Chuyên gia hoặc bác sĩ tâm lý sẽ xác định nguyên nhân gây lo lắng của bạn và cố gắng giúp bạn.
5. Nhức đầu liên tục
Bạn đã không đau đầu suốt một thời gian dài nhưng đột nhiên xuất hiện những cơn đau đầu liên tục, đau một bên đầu và có cảm giác các sợi dây thần kinh giật từng đợt theo nhịp mạch đập? Cơn đau có thể xuất hiện một bên hoặc hai bên đầu và nguyên nhân là do tình trạng quá căng thẳng. Căng thẳng làm giải phóng các hóa chất dẫn đến sự thay đổi hoạt động của hệ thần kinh và mạch máu trong não, gây ra đau đầu.
Nếu bạn không muốn dùng ibuprofen để điều trị, hãy thử xoa bóp bằng dầu oải hương hoặc dầu bạc hà xung quanh vùng thái dương.
6. Bạn hay bị ốm
Dĩ nhiên là nếu bạn đang gặp vấn đề với giấc ngủ, sức khỏe bạn sẽ dần yếu đi. Khi cơ thể làm việc quá tải trong suốt quá trình bạn bị căng thẳng, cơ thể sẽ không có thời gian để hồi phục và kháng lại những bệnh nhỏ nhất và nó sẽ phải vất vả chiến đấu để chống lại cho dù chỉ là một cơn cảm cúm nhỏ. Nghiên cứu chỉ ra rằng hệ miễn dịch bị ức chế bởi khoảng 30% khi bạn đang căng thẳng.
7. Khó tập trung
Những người bị căng thẳng trong một thời gian dài thường cảm thấy khó tập trung vào công việc. Đó là vì họ dễ bị suy nhược thần kinh – chứng bệnh đang ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Những người bị chứng suy nhược thần kinh thường hay đau đầu âm ỉ, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, khó tập trung và nhanh mất thích thú, thường hay than phiền, tính tình dễ bị kích thích, nặng dần thường biểu hiện của trầm cảm, lo âu.
Nếu bạn nhận thấy rằng bạn đã trở nên ít tập trung hơn bình thường, hãy dành thời gian để nghỉ ngơi vì rất có thể bạn đang bị căng thẳng thần kinh quá mức.
8. Rụng tóc
Rụng tóc là hiện tượng bình thường với tất cả mọi người khi nang lông cũ được thay thế bằng nang lông mới theo thời gian. Tuy nhiên, căng thẳng sẽ đẩy hanh quá trình đó khiến số lượng tóc bị rụng nhiều hơn mức bình thường. Đây là dấu hiệu của tóc đang cho biết về sức khoẻ của bạn.
9. Suy giảm ham muốn tình dục
Nghiên cứu được hỗ trợ một phần bởi Viện Sức khỏe Trẻ em và Phát triển Con người Quốc gia Mỹ (National Institute for Child Health and Human Development) cho biết, một người cảm thấy mệt mỏi, stress thường có ham muốn tình dục thấp. Các nhà khoa học tiến hành một nghiên cứu và kết luận tình trạng này xảy ra là do sự tăng cortisol mỗi khi bạn stress.
Vì vậy, nếu bạn không có ham muốn quan hệ tình dục với bạn đời trong một thời gian dài, đừng “điên lên” hoặc lo lắng vì điều này sẽ không giúp ích gì cho bạn. Nếu lý do thực sự là căng thẳng, nó sẽ chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn. Thay vào đó, bạn hãy tìm cách thư giãn bản thân để lấy lại sự cân bằng tâm trạng.
10. Suy giảm trí nhớ
Tiến sĩ Levine cho biết hormone cortisol là nguyên nhân gây ra tình trạng mất tập trung và các vấn đề về trí nhớ cũng như lo lắng hoặc trầm cảm.
Hãy thư giãn cho đến khi bạn lấy lại tâm trí bình ổn trở lại. Thực hành thiền tịnh tâm đơn giản bằng cách nhắm mắt và hít thở sâu, từ từ.
Những cách hay giúp giảm căn thẳng mệt mỏi hiệu quả
Stress rất dễ mắc phải nhưng cũng không quá khó để khắc phục nó. Những lời khuyên dưới đây giúp bạn bớt căng thẳng hơn, theo HealthNewsDaily:
1. Tham gia một lớp yoga
Yoga không chỉ giữ cho cơ thể thon gọn mà còn cải thiện tính linh động, dẻo dai. Ngoài ra nó cũng giúp bạn đối phó với sự căng thẳng và các chứng viêm. Mức độ viêm mãn tính cao được gắn liền với các vấn đề sức khỏe như bệnh tim mạch, hen suyễn và trầm cảm.
Một nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Ohio cho thấy, những người tập yoga thường xuyên sẽ có mức độ viêm nhiễm ít hơn và có khả năng kiểm soát, chịu được các yếu tố gây stress cao hơn.
2. Ngủ đủ giấc
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), ngủ đủ giấc có thể giúp cải thiện sức khỏe và giúp bạn ít căng thẳng hơn.
3. Liệu pháp trò chuyện
Các liệu pháp tâm lý thường được sử dụng như một công cụ quản lý stress, nhằm giảm bớt các triệu chứng căng thẳng và lo âu. Trò chuyện có thể là một liệu pháp hữu ích, trong đó, bệnh nhân và nhà tâm lý trị liệu thảo luận về các vấn đề của bệnh nhân và cùng nhau sửa chữa các vấn đề đang bị suy nghĩ tiêu cực hoặc bị bóp méo.
4. Tăng cường vận động
Tập thể dục có thể giảm căng thẳng vì làm giảm mức cortisol. Cortisol là một hoóc môn được sản sinh từ tuyến thượng thận trong thời gian căng thẳng, khi bạn cảm thấy lo lắng, giận dữ hoặc sợ hãi. Cortisol có thể làm tăng huyết áp, tăng mức đường huyết và giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, có thể gây tổn thương nhiều cơ quan.
Theo Debbie Mandel, tác giả của “Turn On Your Inner Light: Fitness for Body, Mind and Soul, tập thể dục giúp đốt cháy cortisol, do đó làm cho chúng ta khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Tập thể dục cũng kích thích tuyến yên của não bộ giải phóng endorphins, chất dẫn truyền thần kinh có hiệu quả cao, giúp cơ thể hạn chế được các tác động tiêu cực của stress.
5. Tập thiền
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những lợi ích tích cực của thiền định, giúp giảm căng thẳng, giảm huyết áp, giảm bớt cảm giác đau đớn và thậm chí ngăn ngừa tái phát ở những bệnh nhân bị trầm cảm.
6. Cười nhiều và thường xuyên
Một nghiên cứu tiến hành tại Đại học Loma Linda, Mỹ, phát hiện ra rằng những người tham gia xem một đoạn video hài hước sẽ giảm “hoóc môn stress” cortisol và giảm epinephrine. Những người này cũng có sự gia tăng đáng kể endorphins, tăng cường các cảm xúc hưng phấn, tăng miễn dịch và giảm trầm cảm.
7. Dành thời gian liệt kê những lo lắng
Sẽ rất tốt nếu những người hay lo lắng quá nhiều dành ra một khoảng của thời gian để suy nghĩ về những điều đáng lo ngại, những điều đang làm phiền họ.
Mỗi ngày nên dành ra một khoảng thời gian để liệt kê ra những vấn đề khiến bạn lo lắng, nêu ra những vấn đề giải quyết được và không giải quyết được. Tuy nó không thể giúp con người ngừng lo lắng hoàn toàn nhưng có thể giúp họ trì hoãn và hạn chế các lo lắng.
8. Massage
Massage không chỉ giúp bạn thư giãn và giảm căng thẳng cơ bắp, nó cũng có thể ảnh hưởng tích cực đến nồng độ hoóc môn trong cơ thể.